BA NGƯỜI LÍNH

Ba Người Lính  (tt)

Kỳ 8 (PST 64)

 

Winfred Brandon – We Know These Men.

 

(Xem Ba Người Lính từ Trang Đầu Tiên trong Mục Sách Dịch)

 

CHƯƠNG  XXIV

 

Nhiều người ở Tổng Hành Dinh dùng thì giờ để hát những ca khúc phổ thông. Đặc biệt họ rất thích những bài đã hát ở quân trường hồi còn trong nước, trong thời gian huấn luyện.
Cummings ngẩn ngơ với cách mà thanh âm phát ra. Vì cả bọn bây giờ chỉ là hình bóng (appearance) của điều mà họ tưởng tượng về con người của mình; họ không có dây thanh âm, không có bộ phận hô hấp, không có bất cứ một cơ quan nào trong người.
Morton giải thích là cái trí còn lưu giữ ký ức về âm thanh của cả giọng nói và âm nhạc, và bởi cả hai là kết quả của sự rung động, năng lực trí tuệ con người có thể làm sinh ra âm thanh. 
– Đối với thính giác của anh ở cõi trung giới, giọng nói có vẻ như mạnh và âm thanh vang lớn như khi ở cõi trần, tuy nhiên người trần không nghe được chúng. Mọi chuyện chỉ tương đối mà thôi. Khi anh nghe ca đoàn tuyệt diệu của chúng tôi anh sẽ kinh ngạc với ảnh hưởng tinh tế về âm thanh mà họ có thể tạo ra. Đương nhiên là đoàn viên trong ca đoàn như thế gồm từng là người biết về âm nhạc dưới trần. Họ có thể tạo ra bất cứ âm thanh nào mà họ có thể nghĩ tới.
Chúng tôi có những nhạc sĩ đại tài ở đây và họ vẫn còn nhớ những sáng tác đã biết hồi còn dưới trần. Những người lính này không biết nhiều về nhạc, tuy nhiên họ yêu thích những bài hát đơn sơ như vậy và được vui thích khi hát lại chúng. Quả thật họ chỉ phí thì giờ cho tới khi họ sống quen với cảnh giới này, và học tập trung tư tưởng, giúp mình tự đi lại được ở cảnh này. Bây giờ thì họ bất lực như trẻ sơ sinh. Chuyện tốt nhất cho họ giữ yên lặng và đừng ca hát cho đến kiệt lực.
Họ sẽ phải cần trọn năng lực trí tuệ của mình. Cố nhiên chúng tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên cho họ mà thôi. Mỗi người tự làm chủ mình khi sang cõi này. Có vô số bao nhiêu triệu linh hồn ở đây không thể đi ra khỏi nơi mà họ đã sống và chết ở đó. Những cái trí khờ khạo này yếu đuối quá tới mức họ cũng không thể học để tái sinh. Nền văn minh của các anh làm cho tầng lớp này đông đảo hơn bao giờ hết. Chính phủ nghĩ gì khi cho phép những người với trí não kém cỏi như vậy sinh đàn sinh đống ? Sang bên này, hệ quả còn tệ hơn ở cõi trần nhiều lần hơn, nó thành tai họa cho họ và là gánh nặng cho những người khác.
Cummings chỉ có thể nhìn nhận rằng giữ được cho người ta không phạm tội phải vào tù, và đi làm với sức lao động của mình để sinh sống là chính phủ hài lòng rồi. Anh nghĩ tới sự ngạc nhiên mà một số dân chúng trong nước sẽ cảm thấy khi có thể nghe những lời của Morton  – những đồng bào thích nhắc nhở rằng đây là đất của Trời, và khoe khoang về tiến bộ của nước nhà.
Những phát minh, máy móc, và sản xuất hàng loạt thì có lợi gì nếu dân chúng hư hỏng? Anh mong muốn được có lại xác thân để giảng hiểu biết mới mẻ này cho cả nước hay. Mà liệu họ có chịu nghe ? Anh biết rất rõ là với người trung bình, chuyện gì không tâng bốc họ thì họ sẽ chẳng thèm nghe. Có vẻ như Morton không hy vọng gì là sẽ có thay đổi khuynh hướng.
– Hoa Kỳ là đứa con được ưu đãi quá thành hư trong thời đại này. Nó khác xa biết mấy so với thời kỳ đầu vừa lập quốc ! 
Cummings tự hỏi bao giờ tình trạng này mới ngưng.
– Chỉ mới một trăm năm chục năm trôi qua mà Hoa Kỳ đã thành giống dân hư hỏng. Morton tuyên bố. Đây là  cơ hội lớn nhất từ trước tới nay mà con người có được để sinh ra sắc dân lãnh đạo thế giới, vậy mà họ đã thất bại. Dù họ có được thịnh vượng tới đâu cũng không bù lại được cho việc thiếu sót khả năng như hiện nay.
Đây là  lời phán xét thật tệ hại, nhưng Cummings biết là nó đúng.
Anh không nuôi một ảo tưởng nào về nền đạo đức yếu kém đang thắng thế, và trở thành đặc tính của đồng bào mình. Căn bản của nó đã khiến giới trẻ được thoát khỏi mọi kềm chế và kỷ luật. Trai và gái được cho phép chìu theo bản năng của mình vào lứa tuổi mà chúng cần sự bảo hộ và hướng dẫn nhất. Người ta phải có được thành công bằng mọi giá, và cái giá bao nhiêu cũng không đáng kể. Nhưng cho tới nay anh mới có nhận thức rõ rệt về hệ quả sau cùng là như thế nào. Anh thấy rõ ràng là cảnh sống ở cõi bên này đương nhiên sẽ phải là kết quả của cõi trần.
Nhưng chuyện không bắt buộc phải tiếp tục như thế. Người ta phải làm một cái gì đó. Anh có thể làm được gì ? Làm sao để khuyến cáo đồng bào anh ?
Anh hỏi ông Morton những câu này. Morton không phải là người có tánh hoài nghi nhưng ông trả lời với nụ cười cay đắng.
– Họ không tin khi ai đã chết tới nói với họ. Anh chỉ cần nhìn vào hệ quả của việc bác bỏ những lý tưởng hồi trước của Hoa Kỳ về cách xử thế, về sự lương thiện, ý niệm về nhân cách và danh dự, về tiêu chuẩn sống đặt trọng tâm vào nhân cách, thì biết.
Đa số người ở cõi trần tại Hoa Kỳ đã chấp nhận tư tưởng sai lầm rằng họ không phải chịu hệ quả về quan niệm của họ ở đời, và nghe theo băng đảng, chủ nghĩa luyến ái tự do cho cả hai phái nam nữ, ma túy, hối lộ, và kẻ mị dân đánh đổi phúc lợi của dân chúng để có được quyền hành. Chẳng bao lâu hệ quả của trọn tất cả việc thiếu lý tưởng của ngày trước  sẽ sinh ra chiến tranh giai cấp. Tiếp theo đó là hỗn loạn. Rồi nếu người ta chưa hư hỏng hoàn toàn vì lòng ích kỷ và tham lam, may ra họ có thể cứu vãn được vài điều để bắt đầu trở lại. Điều này không muốn nói đến nền văn minh vật chất mà nói về chính con người, linh hồn của họ, tâm trí và điều mà ta gọi là tinh thần phần bất tử của mỗi người. Họ có thể trở thành thiên thần hay ác quỉ. Lẽ tự nhiên là trong số dân chúng có những ngoại lệ, những người nam và nữ cố gắng theo đuổi các nguyên tắc khi xưa, nhưng hoặc là họ bị chê bai dèm xuống hoặc xã hội làm ngơ với nỗ lực của họ.
Trẻ con nào qua đời ở tuổi còn nhỏ chưa bị hư hỏng, đến với chúng tôi là kẻ may mắn. Chúng sẽ thoát nạn ấy.
Cummings quên không nghĩ đến trẻ con, vì anh chưa gặp trẻ em nào đã qua đời và sang cảnh này. Tuy vậy lẽ tự nhiên là có trẻ con qua đời. Anh hỏi Morton về chúng, ngay tức khắc vẻ cay đắng biến mất và mặt ông Morton làm như sáng rỡ lên khi ông nói.
– Thí dụ tuyệt diệu nhất cho thanh niên nam nữ là những em chết trẻ. Chúng không có ký ức nào về cảnh sống ở cõi trần và hoàn toàn thoải mái nơi đây. Chúng dùng năng lực trí tuệ của mình cho những việc tinh tế nhất, những việc nằm ngoài khả năng của đa số chúng ta. Tất cả các em được dạy dỗ để làm em thích hợp với công việc mà em chọn. Và từ lúc qua đây các em được làm cho cảm thấy mình được thương yêu.
Ở đây không có trẻ ‘mồ côi’, mà em nào cũng có được đầy ắp tình thương. Thầy dạy các em là người nam và người nữ vốn là cha mẹ tự nhiên, những ai cảm thấy hạnh phúc trong việc luyện tập các tâm hồn non nớt. Nhiều trẻ sinh ra trong cảnh nghèo hèn, hoặc cảnh nhà có gây gỗ, thiếu hạnh phúc. Sang đây chúng tôi làm cho các em chỉ thấy khía cạnh đẹp đẽ của tính người. Trẻ nghèo nhất khi sang đây thường là kẻ hạnh phúc nhất, vì chúng tôi cẩn thận cho bao quanh các em những mỹ vật. Tất cả những bài học, trò chơi, bài tập được làm cho có sức thu hút tới mức có thể được. Chúng tôi sẽ cho anh thấy một thế giới cho trẻ mà chúng tôi rất tự hào.
Cummings ngẫm nghĩ hồi lâu về mấy chuyện này. So ra thế giới trước của anh  có vẻ như là một thất bại lớn ! Đàn ông và đàn bà lấy nhau rồi ly dị, xong lại lập gia đình và ly dị tiếp, cứ như thế làm đi làm lại mãi. Chỉ tìm cách thỏa mãn ham muốn riêng của mình mà không có ý thức trách nhiệm đối với trẻ con mà họ đẩy sang chỗ này rồi chỗ kia. Trẻ con thì không có gia đình thật sự, hay có ý niệm về sự bền vững của gia đình mình. Không lạ gì chúng trở thành hoài nghi yếm thế khi tới tuổi thiếu niên !
Làm phí phạm đời sống như thế thật đáng tội biết bao ! Địa cầu sẵn sàng cung ứng tài nguyên của nó để duy trì một nhân loại hạnh phúc, vậy mà đàn ông và đàn bà mù quáng tới mức chỉ nỗ lực để thỏa mãn lòng tham lam, ưa thích quyền hành, có cảm giác sôi động, hứng chí.
Anh nhậy cảm quá nên không thể dửng dưng khi nghĩ về hết những chuyện này. Bây giờ anh có thể làm gì để cứu giúp đồng bào đây ?
Cố nhiên là không thể làm gì được nữa. Quá trễ rồi. 

 

CHƯƠNG  XXV

Ai nấy thấy vui vẻ ở Tổng Hành Dinh khi Morton nói:
–  Này các anh, các anh sắp lên tầu về nước rồi.
Người ta la lớn mừng rỡ. Làm như họ cảm thấy ‘nhà’ có nghĩa là trở lại cảnh đời như trước khi họ tử trận.
Cummings cũng hớn hở y vậy. Nay anh có thể tới cõi trung giới phần Hoa Kỳ. Anh mong muốn được thấy lại khung cảnh quen thuộc và nơi mà anh có thể đi lại đó đây. Đương nhiên là anh hy vọng gặp lại cha mẹ mình, ông bà qua đời và sang cảnh này nhiều năm trước. Rồi nhiều bạn hữu nữa, mới sang cõi này lúc gần đây.
Anh cũng tự hỏi là mình có thể gặp Doris Fuller chăng. Thử thì có nên không ? anh sợ sẽ khám phá là góc nhỏ bé mà anh chiếm chỗ trong tâm tư cô nay bị những người khác chiếm mất. Dầu vậy anh không thể tin là cô thờ ơ đến mức quên đi những lần trò chuyện thân mật với anh, hay những giờ ngồi uống  trà ở bàn nhà cô  – những giờ mà xem ra cô quên hết mọi chuyện đời để chú mục tới anh. Nói đúng ra thì câu chuyện của họ chỉ về sách vở, nghệ thật và sân khấu, thi văn và ngay cả triết lý; là mục mà người ta trưng ra niềm tin tưởng và lý tưởng  sâu kín nhất của mình. Cô đã bày tỏ thật lòng biết bao ! Cô đã hiểu anh rõ như thế nào ! Chắc chắn không có ai, trong thời gian ngắn như vậy, có thể thay chỗ anh được trong lòng cô.
Thôi, anh sẽ có quyết định khi về tới nơi.
Bây giờ Morton chỉ dẫn họ cách chuẩn bị cho cuộc hành trình. Tầu sẽ lên đường trong vài ngày nữa từ cảng Havre. Đa số người trong bọn đã quên mất cảng như thế nào rồi, và do đó phải nhờ mấy giảng viên mang đi. Việc di chuyển này được bắt đầu ngay tức khắc. Morton khuyến cáo họ là nếu ai không chịu hợp tác và trợ lực bằng cách tuân theo lệnh, họ sẽ bị để lại và phải tiếp tục ở Tổng Hành Dinh cho tới khi có nhóm người chưa đủ sức khác được gửi về nước.
Khi nghe tin sẽ đi tầu, nhiều người đàn ông xử sự như học trò phá phách, la hét, ca hát, đi tới lui trong nhóm rộn ràng. Làm như họ say sưa với ý tưởng là nay lại được trở về quê hương. Morton mỉm cười và nói với một ông thầy:
– Họ nghĩ là sẽ sống lại cuộc đời cũ y vào lúc họ rời nước đi.
Ai thông minh hơn thì không để mình bị lôi cuốn như vậy. Họ ý thức là trước mặt họ có cách sống mới, cách mà họ hoàn toàn không biết gì. Mấy người này chú ý hết mức vào tất cả những chỉ dẫn cho họ, và còn tìm cách làm dịu bớt tâm tình sôi nổi của những người khác. Cummings là một trong nhóm này. Anh ráng nói với Hanson, người ta nghe giọng lớn tiếng của Hanson vang lên trước tiên trong cuộc huyên náo. Hanson hứng chí nhất khi có chuyện gì ồn ào. Anh cao hơn đa số những người khác thành ra rất hợp với vai tay trống chính, vai mà anh luôn mong ước được làm. Nay anh bắt chước tiếng bùm bùm của trống đánh nhịp.
Bùm ! Bùm ! Bùm, bùm, bùm !
Mọi người xếp thành hàng và đi diễn hành sau lưng Hanson. Họ đi như vậy một lát, gây náo loạn cho những ai không dự vào trò chơi trẻ con ấy, rồi Cummings đi tới Hanson, người ồn ào nhất bọn.
–  Hanson, ngưng lại đi và ngồi yên, coi coi anh tự giúp mình được không ? Anh đâu muốn mình bị bỏ lại đây mà.
– Tôi ? Làm sao họ bỏ tôi được. Tôi sẽ là người đầu tiên lên tầu.
– Đừng tự gạt mình, Hanson. Làm sao anh sẽ đi tới cảng Havre ?
– Yên chí đi, tôi tới đó được mà.
– Coi đây, ông già, anh không hiểu được là trừ phi anh có thể định tâm đủ lâu và đủ mạnh, anh sẽ phải nhờ người khác mang anh tới đó y như họ mang anh từ hầm trú ẩn tới đây vậy.
Dường như nó làm Hanson trầm lại một chút.
– Mấy người này lo cho tụi mình thì có gì đáng nói đâu ? Tôi đã hy sinh vì tổ quốc mà, phải không ? Vậy thì sao ?
Cummings kiên nhẫn nhắc lại sự việc lần nữa, cố gắng làm anh hiểu rằng chỉ có mấy giảng viên, và mỗi người chỉ có bấy nhiêu năng lực trí tuệ; khi họ kiệt lực thì số binh sĩ còn lại chưa đi sẽ hoặc phải tự giúp mình, hoặc phải ở lại Tổng Hành Dinh.
Tới đó Hanson bắt đầu nèo nẹo đòi mấy ông thầy đưa anh đi. Thực tế là họ cũng muốn tống anh đi cho rảnh nên hứa rằng anh sẽ là một trong những người đầu tiên được đi. Potter vẫn còn thiếp ngủ và được để lại, vào nhóm những ai phá rối tới mức phải làm cho họ ngủ.
Cummings lo cho Brainard. Anh hỏi ông nội của anh chàng là Brainard chưa quay về thì chuyện gì sẽ xẩy ra.
– Anh ta vui hơn khi có thể thấy mặt Carol Carlisle, cho dù không nói cho cô nghe được. Anh sẽ chờ ở đây cho tới khi cô về nước.
– Xin nói lại với anh là tôi mong được gặp lại anh bằng cách này hay kia khi anh trở về.
Mấy ngày sau tại cảng Havre, tầu chứa đầy thương binh và ai bị hoảng loạn tâm thần do cuộc chiến. Trong số những người này có Rosenberg. Bây giờ đó là anh Rosenberg nhỏ con, rất lặng lẽ, không còn là thương binh tốt bụng huyên thuyên ở bệnh viện tại căn cứ, mà là anh chàng nhỏ người, xanh xao, im lặng, với đôi mắt mở to kinh hãi, và có thói quen mấp máy môi thì thầm nói chuyện với chính mình. Anh cười một cách ngớ ngẩn khi có ai nói chuyện với anh, nhưng làm như anh không ý thức chuyện gì xẩy  ra chung quanh.
Flanagan, nay có thể chống nạng đi lại, ở trong nhóm thương binh thuộc một chỗ khác trên tầu. Anh không biết là Rosenberg đi cùng chuyến, mà kể ra thì anh cũng chẳng quan tâm đặc biệt, tuy anh buồn khi thấy chàng nhỏ con bị rối loạn tâm thần.
Trong chuyến đi đa số người rất yên lặng, ai nấy chỉ chờ tới lúc cập bến và tưởng tượng ra cảnh gặp mặt người sẽ chờ đón họ. Trên tầu có hàng trăm linh hồn của tử sĩ đi lại trong đám, tìm kiếm bạn đồng đội cũ của mình.
Hanson cảm thấy rất hân hoan khi gặp được mấy người có tâm tính giống như anh, rồi cả bọn họp lại khiến cuộc hải hành biến thành ác mộng cho những người khác.
Flanagan dành lớn thì giờ nằm trong khoang nghĩ tới Molly Burke. Anh đã gửi điện tín cho cô hay mình sắp về và cho biết ngày giờ sẽ tới. Anh biết là cô sẽ ra bến đón anh. Anh có thể tưởng tượng ra gương mặt nhỏ nhắn hớn hở của cô trước mặt mình, và thân hình mảnh mai của cô, thật thanh nhã trong bộ y phục đơn sơ. Và rồi anh cũng thấy mờ mờ ảo ảo, những linh hồn binh sĩ mặc khaki đông đầy trên tầu. Nhiều người quá ! Anh không hề nói chuyện với ai trong đám đó và mong sao mình có thể quên là có họ chung quanh. Anh mừng là đã đi xa khỏi Brainard, thoát được lời van nài không ngừng của anh chàng, xin anh làm cho cô Carlisle tin là Brainard vẫn còn sống và vẫn thương mến cô. Anh cảm thấy mệt với lời năn nỉ đau khổ của Brainard nói cả ngày lẫn đêm. Anh đã làm hết sức mình, và đã ráng thêm một hai lần nữa, tìm cách thuyết phục cô gái rằng Brainard thực sự có mặt ở đó. Anh lại còn chuyển thêm hết các mẫu tin, nhưng cô chỉ mỉm cười theo cách của điều dưỡng viên tốt bụng, và anh biết cô nghĩ anh bị mát dây phần nào.
Chà, tạ ơn Trời, nay anh đã thoát ra khỏi những chuyện đó rồi ! Anh phải chú tâm vào chuyện của chính anh. Anh phải trực diện với tình trạng  và tự hỏi mình sẽ sinh sống bằng cách nào. Đương nhiên anh vẫn còn phải đi bệnh viện, nhưng vết thương đã bắt đầu lành. Tuy vậy anh biết mình sẽ bị khập khiễng cả đời. Anh sẽ không thể đứng lâu một chỗ, và trở lại việc làm cũ là thư ký thì không được nữa rồi; anh tự hỏi mình có thể làm gì để sống đây. Anh chỉ có bằng dược sĩ mà nó chẳng làm được nếu anh không thể đi lại với đôi chân. Flanagan lo lắng nhiều về chuyện này. Chữ viết của anh đều đặn, dễ đọc và chính xác. Có thể người quen trong vùng sẽ giúp anh tìm được chân thư ký nhỏ nào đó trong hội đồng thành phố.
Hy vọng này làm anh yên lòng và hướng tư tưởng đến ngày tái ngộ với Molly. Cô thật khả ái biết bao ! Anh ước chi mình có tiền để thành hôn với cô ngay, nhưng anh phải có việc làm trước đã.
Anh chán cái ý nghĩ là phải đi bệnh viện nữa. Dầu vậy, Molly  sẽ tới thăm anh.
– Mạnh giỏi, Flanagan !
Thánh thần ơi, Cummings mò tới rồi. 

 

CHƯƠNG  XXVI

 

Tới lúc này thì Flanagan đã tập được cách phát ra tư tưởng mạch lạc. Anh chào trả lại.
– Mạnh giỏi, Cummings !
– Hai chúng ta cùng hồi hương, nhưng không trở lại cùng thế giới.
– Không, tôi nghĩ vậy.
– Anh có ngạc nhiên là mình nói chuyện như vầy không ?
– Ồ, tôi bắt đầu quen rồi. Hồi ở bệnh viện đêm nào Brainard cũng tới muốn nói chuyện với tôi.
– Tội nghiệp anh chàng ! Vậy là anh ta vẫn còn ở đó phải không ?
– Phải rồi, anh mê mệt với một cô điều dưỡng ở đó và không chịu đi, nhưng cô đầy nghi ngờ. Cô không tin khi tôi bảo cô là Brainard có đó. Anh ta phải tỉnh ra và hồi hương, quên cô đi.
Cummings không thích Flanagan cho lắm nhưng anh nhận biết đây là phương tiện cho anh liên lạc với thế giới người trần.
– Flanagan, anh nói, anh có biết là mình có khả năng thiên phú lớn lao không ? Nó có thể dùng để giúp đời.
Flanagan không ham.
– Ồ, nó chỉ gây bực mình. Tôi không hề cho ai biết ngoại trừ cô bạn gái của Brainard, mà cô không tin là tôi có thể thấy và nghe các vong linh. Cô tưởng là tôi mát dây.
– Nhưng có nhiều người hiểu điều này và tin có việc liên lạc với người đã khuất.
– Thôi, tôi không muốn dính tới nó. Tôi không thấy nó dẫn đi tới đâu cả.
– Nhưng anh không thấy sao, nếu ai cũng biết là chúng tôi còn sống, những người đã bị tử trận trong chuyện tệ hại này, thì họ sẽ phải nghĩ lại trước khi tuyên chiến nữa, vì họ biết mình sẽ phải gặp lại những binh sĩ tử trận khi tới phiên họ qua đời.
– Tôi không tin là nó có thể thay đổi được gì. Người ta chỉ muốn kiếm lợi và và sẽ trục lợi bất cứ chuyện gì.
– Nghe này, Flanagan ! Thế giới không thể tiếp tục như vầy hoài được. Số người thuộc lực lượng Hoa Kỳ tại Âu châu bị tử trận chỉ là số ít so với số người thuộc cả hai phe đã tử trận từ hồi đầu cuộc chiến. Gần như trọn một thế hệ. Chuyện phải ngưng bằng không sẽ chẳng còn lại mấy người.
– Sao, anh tưởng  tôi có thể ngăn được nó à !
– Tôi không biết, nhưng nếu anh chịu viết lại những điều tôi đọc cho anh thì không chừng chúng ta có thể làm cho thế giới ý thức là họ sẽ tiến tới điều chi nếu không chấm dứt cuộc chiến.
– Nói nghe coi, anh nghĩ tờ báo nào sẽ chịu đăng chuyện đó ?
– Tôi không biết, nhưng mình cứ thử đi. Flanagan, chúng ta sẽ có lỗi nếu không làm hết sức mình.
– Thôi, dẹp đi ! tôi không gây ra trận chiến này, anh cũng vậy.
– Flanagan, làm ơn làm phước đừng nói như vậy khi tôi bàn chuyện với anh. Từ khi qua đây tôi học được rất nhiều điều, tôi muốn kể cho anh hay.
– Nghe này ! Cummings, tôi hồi hương để quên hết chiến tranh. Có thể là anh đúng, nhưng điều tôi muốn là sao cho cái chân này lành lại, rồi tìm được việc làm. Tôi chỉ ao ước bấy nhiêu đó thôi.
Ra là vậy, Cummings nghĩ, ai cũng chỉ lo cho chính mình và để thế giới đi tới chỗ diệt vong. Nếu hòa bình không mau tới thì các thành phần ưu tú của Hoa Kỳ sẽ chết hết, phe địch và các nước đồng minh cũng chung số phận.
Ngày tầu chở binh sĩ hồi hương cập bến New York, tinh thần của những thương binh không còn phấn chấn như trong chuyến đi. Họ biết gia đình sẽ bị chấn động khi nhìn thấy thân thể bị thương tật hoặc biến dạng của họ. Flanagan cảm thấy nhẹ lòng khi anh chẳng có ai ngoài Molly  ra đón anh.
Đông đảo thân nhân và bạn bè của Rosenberg có mặt ở đó, ai nấy vẫy tay với anh và la to lời chào mừng. Anh bước xuống cầu tầu cùng với những binh sĩ khác mà tâm thần bị hoảng loạn vì chiến tranh, có các y tá của hội Hồng Thập Tự đi kèm. Nhiều người đàn ông này không còn nhận ra thân nhân của mình mà chỉ nhìn vào khoảng không với ánh mắt vô hồn, buồn bã làm như họ không có đó nữa.
Rosenberg nhận ra mấy bà chị và gia đình của họ khi họ tới được chỗ anh, nhưng anh không thể nhớ hay nghĩ gì được lâu, và sau mấy câu chào hỏi đầu tiên, anh chìm trở vào cõi của mình, không còn thiết gì đến thế giới xung quanh. May là anh không biết về những lời than của họ khi gia đình nhận ra anh đã trở về với thương tật tệ ra sao. Anh quen thuộc các điều dưỡng viên nên tự nhiên là hướng về họ, và được mang đi khỏi mấy bà chị não lòng về cậu em, tới bệnh viện chuyên lo những trường hợp như anh.  Rosenberg là một trong những người bị hoảng loạn vì chiến trận mà điều dưỡng viên thấy dễ chăm sóc nhất. Anh luôn luôn nghe lời và không hề có ý định tự hại mình hoặc làm hại người khác, cả ngày chỉ ngồi lặng lẽ im lìm, gần như là khờ dại.
Flanagan nhìn lướt qua khối đông với những gương mặt căng thẳng và mong đợi, mỗi người ngóng tìm thân nhân của mình trong đám binh sĩ mặc khaki đang bước chậm chạp rời khỏi tầu. Anh đã đoán đúng. Molly  kia rồi, coi ốm hơn và già hơn anh đã tưởng. Nàng đã đau khổ trong lúc anh vắng nhà và gương mặt nàng có in những vết tích ấy. Tuy vậy, trông nàng vẫn dễ yêu và đáng mến như xưa; mà còn hơn thế nữa, anh biết vì mình mà nàng mất đi phần nào sự tươi trẻ. Giọng nàng vút cao kêu to khi nhìn thấy anh, và giống như người điên nàng chen lấn qua đám đông để tới anh, tuy ai bị nàng xô đẩy, vẹt mạnh ra làm như không để ý chuyện đó, hay bất cứ chuyện gì khác ngoài việc rời tầu đang diễn ra buồn bã. Lúc nghe tiếng kêu của nàng, Flanagan không còn thấy ngượng ngùng nữa mà giơ cánh tay còn trống lên dở mũ, và bật khóc.
Họ lặng thinh khi nàng choàng tay qua vai anh. Nàng ôm chặt anh như thể muốn giữ lấy anh mãi mãi, chống lại các thế lực đã chia cách hai người. Anh không nói được còn cô thì đã cho anh hay tất cả điều anh cần biết trong cuộc hội ngộ không lời của họ.
Cummings là một trong những linh hồn đầu tiên rời khỏi tầu. Anh đi vẩn vơ trên bến nhìn ngắm những cuộc trùng phùng đáng tội, và nhiều màn kịch nhỏ để lộ ra chuyện về lòng chung thủy, niềm tin, tình thương và hy vọng bị tan nát. Anh thấy Flanagan tái ngộ với bạn gái anh chàng  – cô gái mà anh không hề nhắc tới trong suốt lúc họ sống chung trong quân ngũ. Flanagan có sự tự chế mạnh thiệt ! Khi cô gái ngước nhìn Flanagan trông cô thật xinh, đôi mắt cô tuôn tràn hết cho Flanagan bao tình tự trong lòng.
Mà này, anh không còn được hưởng những điều ấy nữa. Nay chuyện gì khác sẽ tới thế chỗ cho điều ấy ? Anh được tự do rồi. Đã về tới quê hương và được tự do !
Tự do để làm gì ?
Anh có thể hình dung ra những nơi chốn cũ, đi trên những con đường quen thuộc xưa, và nhìn ngắm người chung quanh. Anh cũng có thể đi tới văn phòng của Martin Fuller, trụ sở thương mại của anh này. Anh lại còn có thể đi tới nhà Martin và gặp Doris ở đó.
Không ! Làm vậy là xâm nhập. Anh phải không bao giờ chìu theo cám dỗ ấy.
Trong khi đi dọc theo đường phố, anh thấy mấy linh hồn khác vừa xuống tầu. Đa số những người đàn ông đã họp thành hàng ngang bốn người, và với Hanson đi đầu, cả bọn vừa đi vừa hát. Họ ca vang những bản quân hành, và có vẻ như đi theo một nhịp khi họ xuôi theo dòng lưu thông.
Cummings đi theo nhập bọn. Sao lại không chứ ?
Cả đoàn đi theo lộ trình mà họ đã đi khi xuống tầu sang Pháp hồi trước. Khi đó phố xá tưng bừng với cờ quạt phất phới, cửa sổ của các tòa nhà và lề đường chật những người hoan hô binh sĩ tòng chinh.
Nay, không có cờ xí phần phật, không có ban quân nhạc hùng dũng, không có trống kèn thúc giục, và không có đám đông cổ võ, đoàn linh hồn Tử Sĩ mà không ai thấy và không ai nghe đi diễn hành trở về.

 

CHƯƠNG  XXVII

 

Nhiều linh hồn tử sĩ theo tầu các thương bệnh binh về nước có quê quán ở xa. Họ không có cách về tới làng xóm của mình, ngoài cách là đi theo xe lửa nào ghé lại các nơi này. Họ không muốn ở lại thành phố New York vì không rành nơi đây, và không có liên hệ nào hay có gì nối kết họ với nó. Họ là người lạ so với vài tử sĩ trong bọn là dân New York, và họ mong ước được trở về với thân quyến của mình, về nơi mà họ có thể đi lại rành đường đất giữa khung cảnh quen thuộc.
Đa số những người này không nghe theo lời chỉ dẫn của các giảng viên và học cách làm chủ tư tưởng. Họ vẫn còn sống, nhưng chỉ có thế thôi. Họ sinh hoạt một cách tự động trong cơ thể có vẻ như là bất tử. Họ không cảm thấy đói, khát, hoặc gặp hiểm nguy về tật bệnh; và họ cũng không phải nghĩ đến chuyện đi làm cực nhọc thân xác hoặc kiếm tiền. Ai có trí tuệ thấp thì vui mừng với ý nghĩ là sẽ sống một đời nhàn hạ kéo dài. Dường như họ nghĩ rằng hạnh phúc đời người là hoàn toàn vô công rồi nghề, không vướng bận chút trách nhiệm gì.
Kẻ hớn hở nhất về viễn ảnh này là Hanson. Đây quả là thiên đàng thật sự; anh sẽ không bao giờ phải làm lụng nữa. Quả đúng là anh ước ao phải chi có thể ăn, uống và hút thuốc, hưởng thụ khoái lạc với đàn bà, và thú đánh bài đầy hồi hộp. Dầu vậy, còn sống là vui rồi, lại không cần phải làm gì mà được thoải mái và tự do. Anh có thể rong chơi ở bất cứ chỗ nào anh muốn và không bị cảnh sát quấy rầy.
Một số linh hồn đã chịu khó luyện tập theo sự chỉ dẫn ở Tổng Hành Dinh nay có thể bung ra  – có nghĩa họ có thể nghĩ để làm cho mình trở về quê quán. Những người khác chưa đủ sức làm chủ cái trí tới mức đó, đi dọc theo đường phố cho tới khi tìm thấy nhà cửa của gia đình mình.
Hanson không có thân nhân nào mà anh muốn gặp, hoặc biết chỗ ở của họ. Chẳng bao lâu anh chỉ còn có một mình. Khi thấy mọi người bỏ đi mất Hanson có hơi nao núng một chút. Thui thủi một mình là điều anh không muốn tí nào. Nay anh nhận ra là ai cũng có thân quyến trên đời chỉ trừ anh. Anh bắt đầu hiểu là tất cả những câu chọc cười của anh đã bị người ta quên hết rồi, quên luôn cả anh.
Bây giờ anh làm gì đây ?
Có vẻ như không có ai chăm lo cho linh hồn tử sĩ ở đây, khác với lúc họ còn ở bên Pháp. Không ai có trách nhiệm đối với họ. Hanson thấy nổi lên lòng căm phẫn khi anh đứng giữa dòng xe cộ và đám đông đang hối hả đi. Vậy ra đây là phần thưởng cho trọn những gì anh phải chịu đựng. Anh đã hy sinh thân mình cho tổ quốc, và nhìn theo cách nào thì anh cũng phải được đối xử như là người chết vì nước. Thay vào đó anh bị bỏ mặc ở đây phải tự lo thân.
Không thể vậy được. Anh ngẫm nghĩ xem mình phải làm gì để có công bằng, nhưng không nghĩ ra được cách nào rõ rệt. Anh đi lang thang trên đường phố không mục đích với tâm tư giận ứ. Anh đứng ở góc đường, trong mái hiên nhìn người nam và nữ còn sống đang hối hả đi lại, đa số có vẻ mặt lo lắng, bực bội. Dù đang giận trong lòng, Hanson cũng mỉm cười khi nghĩ đến những mối lo âu và vấn đề người sống có trong đời, nay anh hoàn toàn thoát khỏi phải lo về chúng.
Khi đêm tới, anh quyết định đi về chỗ của thành phố vốn quen thuộc với anh. Anh không hề thấy đường phố và đại lộ xinh đẹp có gì hấp dẫn, mà thích đến nơi có loại người tương tự như anh tụ họp. Anh đi lần về phía bờ sông. Ở đó anh tìm thấy một trong những chỗ mà anh hay tới hồi trước, và ngạc nhiên thấy cũng có nhiều vong linh ở đây. Họ là vong linh của người nam và người nữ, bị thu hút về những nơi có sinh hoạt giống như họ đã có trong lúc sống; những linh hồn này không thể đi lên cảnh cao hơn vì ham muốn cảm quan vẫn còn trói buộc họ.
Hanson vui thỏa tới đúng chỗ của anh. Chẳng bao lâu anh kết bạn với nhóm vong linh chưa siêu thoát này.
Họ chỉ có thể lẩn quẩn trong khu vực mà họ biết, vì không nỗ lực cải thiện trí tuệ của  khi được chỉ dẫn, để giúp họ vượt lên trên quan niệm cũ của mình sau khi qua đời. Họ không ao ước thú vui nào ngoài những điều mà họ đã biết khi còn thân xác. Dù đã mất vui thú về ngũ quan, họ  vẫn còn thèm muốn chúng. Họ có thể thỏa mãn phần nào những ao ước này bằng cách bám theo người còn sống nào, nam cũng như nữ, chìu theo cùng thói quen ấy.
Một vong linh đường hoàng hơn hết trong nhóm, nhỏ con mà tướng tá dễ coi, ráng khuyến dụ những người khác tới dự một buổi họp ở công viên gần đó, để nghe một giảng viên dạy họ cách làm chủ tư tưởng. Đám đông vong linh hò reo chế nhạo và cười chê anh. Họ chán chuyện như vậy quá rồi. Anh chàng ráng tìm cách giải thích việc họ chưa siêu thoát, để cho mình còn vướng bận cõi trần là chuyện ngu dại như thế nào, trong khi họ có thể qua cảnh sống ở cõi trung giới và ở nơi ấy, nếu học cách làm chủ trí tuệ.
Có vẻ như anh là một người trong bọn họ lúc còn sống. Anh cho họ hay khi trước anh rượu chè và chơi bời trai gái không thua ai trong bọn, mà chỉ nhờ quyền năng ý chí anh mới thoát, và ý chí của họ cũng sẽ giúp họ được như vậy. Anh vạch cho thấy rằng họ đang phí thì giờ, làm cho cuộc sống của họ thành mối họa cho ai ở cõi trần mà họ đeo theo. Anh bảo tội phạm xẩy ra là do các vong linh bám vào người trần tánh tình yếu đuối. Anh hỏi họ có muốn ở trong đám này thiên thu mãi mãi chăng.
Hanson muốn được chú ý nên tự cho mình vai trò che chở cả bọn, lên tiếng trả lời anh chàng thúc hối đám đông này. Anh muốn mình sáng chói với nhóm vong linh vất vưởng.
– Nói coi, anh hai, kêu hết bọn tớ đi tới trường là làm sao ? Bọn này muốn sống như là người lớn, tớ mới ở chiến trường bên Pháp về, ở đó tớ tử trận trong khi chiến đấu cho phe Đồng Minh. Anh tưởng bây giờ tớ không muốn vui chơi một chút sao ? Bọn này toàn dân chịu chơi, không muốn dành thì giờ nghe mấy ông thầy  giảng bài. Anh đi chỗ khác chơi đi cho chúng tớ yên. Bọn tớ có thể được vui thú với người sống đang làm điều bọn tớ thường thích làm. Đây là nước tự do, đang vui chơi thì anh tới phá đám.
Đám đông reo hò hoan nghênh và ca ngợi Hanson như là người nói đúng ý họ. Linh hồn tìm cách giúp mấy người này  thấy như có vẻ  tuyệt vọng.
– Anh và hằng triệu người như mấy anh đang làm cho đời sống trên địa cầu thành chuyện tệ hại. Khi anh thèm uống rượu, anh gửi tư tưởng đến người không may có ý chí kém cỏi. Họ bắt được tư tưởng của anh và làm theo thúc giục. Chuyện cũng y vậy với ai dùng ma túy, và không phải là anh lo chuyện cho mình mà thực ra anh chỉ làm người khác suy sụp, tàn đời vì không có sức mạnh để kháng cự lại anh. Anh không nhận ra sự tai hại của chuyện anh làm hay sao ?
Hanson la lớn:
– Chuyện có ăn nhập gì tới anh ? Anh không có trách nhiệm với bọn tớ.
Có tiếng reo hò của nhóm linh hồn muốn nói họ hoàn toàn đồng ý với Hanson. Anh chàng kia biến mất. Hanson hét to với đám đông linh hồn:
– Để coi mình chơi được trò gì khi bây giờ không còn thân xác.

 

Winfred  Brandon
We Know These Men  (còn tiếp).